Thân chào quý phụ huynh và các quý vị đồng nghiệp!
Tôi là Thanh Nga, sinh ngày 07- 03-1957, 58 tuổi, nghĩa là 07- 03-1975, tôi đã tròn 18 tuổi, kết thúc tuổi vị thành niên,“bắt đầu có nghĩa vụ công dân”. Vậy là, tính đến 2015, tôi tròn 40 năm làm công dân, đã trải qua các vai trò: làm con cháu, làm người điều dưỡng – thầy thuốc, làm vợ, làm mẹ, làm bà nội – bà ngoại, làm cán bộ Quản lý Bệnh viện/Y tế, làm thầy giáo dục - đào tạo nhân lực Y tế và làm nhà Quản lý giáo dục – đào tạo Y tế.
Tiếp cận tất cả những vai trò ấy trong cuộc sống, bản thân tôi đã luôn được học và nỗ lực học hỏi, vận dụng vào công việc để từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm; Chính gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội nơi tôi sống và làm việc đã đào tạo, tạo điều kiện để tôi có khả năng thích nghi mọi hoàn cảnh, nhằm hoàn thành tốt các vai trò mà tôi được “cuộc đời” giao phó. Đặc biệt,với thiên chức phụ nữ Việt Nam, được làm mẹ - làm bà và sứ mệnh nghề nghiệp là người chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, tôi như nhiều người phụ nữ Việt Nam khác cùng thế hệ tôi, đã trải nghiệm nhiều niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng đã phải đối diện giải quyết nhiều thách thức, nỗi nhọc nhằn từ cuộc sống… Những khó khăn lớn nhất tôi phải đương đầu 40 năm qua, là xử lý những “Tình huống Chăm sóc sức khỏe” của bản thân, của gia đình, của bạn bè, của bệnh viện và chăm lo sức khỏe của cộng đồng.
40 năm đã qua, chiến tranh dần lùi xa, kinh tế dần tăng trưởng, người dân trong xã hội nâng cao trình độ văn hóa, một bộ phận nhỏ kinh tế ổn định và giàu có hơn. Nhưng, với nước Việt Nam có khoảng 70- 80% là nông dân, thì đói nghèo và bệnh tật vẫn là vấn nạn và đại họa, viễn cảnh “được mùa - mất giá”, dịch bệnh, bệnh mạn tính, bệnh nặng, bệnh nan y và “bệnh lạ” gia tăng, đang đẩy nhiều gia đình lâm vào tình trạng “phá sản” cả sức khỏe lẫn gia sản. Đặc biệt, là các gia đình trẻ chưa có nguồn tích lũy kinh tế và kinh nghiệm sống dễ rơi vào khủng khoảng khi có con nhỏ bị bệnh phải đi khám chữa bệnh, nhập viện điều trị...
Hơn ai hết, những người phụ nữ đã làm mẹ, làm bà, làm công tác điều dưỡng như Thanh Nga, đặc biệt những người Điều dưỡng ở các khoa nhi (trẻ em), Bệnh viện chuyên khoa nhi của Việt Nam thấu hiểu nỗi khổ đau và thiếu thốn của trẻ bệnh và gia đình. Mỗi trẻ bệnh, mỗi gia đình đối phó nhiều vấn nạn, giới hạn tùy thuộc vào thời gian và tình trạng bệnh. Nhưng những người Điều dưỡng với thiên chức “nghề và nghiệp” hàng ngày và suốt đời hành nghề họ đã phải tự giải quyết vấn nạn của bản thân đồng thời giải quyết vấn nạn “quá tải”! Chúng ta cần có sự thấu hiểu lẫn nhau và sự thấu hiểu của nhiều đối tượng khác khi chăm sóc trẻ em.
Ở thế giới chúng ta đang sống không có bản thân ai tự chọn được cha mẹ sinh ra, cũng không ai tự chọn được nơi chốn sinh ra mình. Tự thân, ngay khi hình thành phôi thai “đời” đã mặc định xác định thân phận mỗi con người, xác định bố mẹ và dòng họ tổ tiên cho mỗi chúng ta. Một số ông bà - cha mẹ có thể chọn được nơi sinh sống của gia đình tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của gia đình.Tuy nhiên,Việt Nam là một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh. Chiến tranh, hy sinh và ly tán, đói nghèo và bệnh tật, đẩy nhiều thân phận xa xứ. Thanh Nga, được sinh ra trong gia đình hai bên nội – ngoại đều gốc nông dân, mẹ Bắc – cha Nam (tập kết ra Bắc). Bản thân Thanh Nga khi sinh ra không được sống trong tình yêu thương của ông bà ngoại – nội. Vì mẹ tôi là con mồ côi, ông bà ngoại đã mất rất sớm vì đói nghèo, khi mẹ tôi còn tuổi thiếu niên; Ông bà nội thì bị ly tán vì hai miền Bắc – Nam bị chia cắt bởi chiến tranh. Năm 1975, tôi được gặp gia đình bên nội, ông nội là Liệt sĩ, bà nội đã 70 tuổi, vì công việc, chúng tôi vẫn luôn xa cách. Khi chị em Thanh Nga ra đời, ba mẹ Thanh Nga đã là những nhà hoạt động xã hội, họ thường xuyến phải sống xa nhà, xa con, chị em tôi hầu như thiếu sự chăm sóc. Mẹ Thanh Nga mất năm 1977, khi mẹ 48 tuổi, Thanh Nga 20 tuổi, ba em: 15 – 12 và 8 tuổi, còn ba Thanh Nga mất khi sắp được nghỉ hưu về ở cùng con cháu. Chị em tôi và con tôi luôn khát khao có sức khỏe để chăm sóc và yêu thương! Quả thực, con người là vốn quý, sức khỏe là vàng, là tài sản vô giá!
Năm 1975, học xong cấp 3, rời gia đình ra đời, Thanh Nga không chọn nghề Y và nghề Giáo, hai nghề cao quý được xã hội tôn vinh bậc thầy. Nhưng, duyên phận làm người đã tạo những bước ngoặt cuộc đời và “số phận”, Thanh Nga đã làm thầy thuốc - thầy giáo, nghề đã chọn người, và Thanh Nga đam mê…
Ở tuổi 58, sau 40 năm làm công dân là 40 năm luôn tiếp cận, gắn bó với môi trường Y tế - Bệnh viện - Trường học - trường Đại học, Thanh Nga đã cứu con, cứu cháu, cứu nhiều anh chị em họ hàng, bạn bè, người bệnh và dạy cứu người. Đối diện, tình huống nào, hoàn cảnh nào Thanh Nga cũng tận tâm, làm hết mình bằng lương tâm làm người và lương tâm chức nghiệp để làm việc một cách chuyên nghiệp, chuẩn mực nhằm đạt chất lượng – hiệu quả với chi phí hợp lý. Vượt qua tuổi “Tri thiên mệnh”, trải nghiệm cuộc sống, nghề và nghiệp, với những áp lực từ cuộc sống, Thanh Nga hiểu “định mệnh nghiệt ngã” và sứ mệnh. Hành trình sống của Thanh Nga, nghề nghiệp đã mang lại nhiều hạnh phúc, vinh quang và nhiều cay đắng, nhiều lúc bị đẩy đến “bần cùng”, nhưng “bần cùng không thành đạo tặc”. Quan trọng, là Thanh Nga vẫn luôn chọn cách sống tử tế!
Chính từ chọn sự tử tế ấy, từ “luật hấp dẫn” Thanh Nga gặp trang Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”, gặp Bs Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM và Admin trang hoibacsinhidong.net. Ý tưởng, Bộ ba: Bác sĩ - Điều dưỡng và Công nghệ thông tin, tạo nên vị thế “kiềng ba chân”, thắp lên ngọn lửa “ Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trẻ em”. Chúng tôi ước mong, cùng với sự nỗ lực của bản thân, sự chung sức đóng góp từ Phụ huynh và Đồng nghiệp, thì trang sẽ ngày càng phát triển.
Thanh Nga tâm đắc với Admin: “Cho đi là nhận phúc - vì trẻ em”. Thanh Nga dành thời gian chia sẻ đến cộng đồng những Thái độ - Kiến thức - Kỹ năng Thanh Nga đã nhận và đã tích lũy được sau hơn 50 năm học hành và làm người.
Năm 2015, Thanh Nga đã 30 năm xa miền Bắc, đã đi hết một nghiệp nghề, thế hệ con Thanh Nga đã lớn lên và trưởng thành 30 năm ở miền Nam. Thanh Nga thành bà nội – ngoại, các con đã làm cha mẹ, một thế hệ mầm non mới đã tiếp nối. Chuyên mục “Chăm sóc bé”, là món quà thiết thực nhân ngày quốc tế thiếu nhi 01/06, Thanh Nga tặng thế hệ con cháu và quý vị phụ huynh để cùng nhau chăm sóc tốt trẻ em.
Rất mong nhận sự trao đổi chân tình, thành tâm từ phụ huynh và đồng nghiệp.
Trân trọng!
Ths. Thanh Nga
Blogger Comment
Facebook Comment